Sư thật về Ca Sĩ Tuấn Anh .
Tuấn Anh vốn là một nam ca sĩ như bao người , song để tạo dấu ấn và sự độc đáo khác lạ trong âm nhạc & nghệ thuật . Anh đã chuyển dần sang một phong cách khá "lạ" theo từng thời kì , có tìm hiểu về anh ,thấy cái tài , cái hay , cái phá cách rất lạ của anh mới có thể hình dung hết tất cả tài hoa của một performer thực sự .
Lý do đưa đẩy Tuấn Anh đến với con đường... không giống ai này không gì khác hơn là từ lòng say mê ca nhạc, sân khấu và nghệ thuật. Từ đó anh đã dốc tâm nghiên cứu để mong tìm được một điều gì mới lạ, trước nhất là trên phương diện hình thức, khác với những người đi trước...
Với con đường đi "không giống ai" đó, Tuấn Anh đã bước qua được chặng đường dài hơn 25 năm, kể từ khi anh bước lên sân khấu lần đầu tiên tại vũ trường Maxim's ở Houston, Texas vào năm 1981!
Con đường "không giống ai" và "không ai giống" của Tuấn Anh có thể gọi là một cuộc "cách mạng" trong vấn đề y phục nơi những nam ca sĩ hải ngoại. Kể cả những nam ca sĩ Âu Mỹ .
Nếu Tuấn Ngọc ,Tuấn Tú đã được bắt chước rất nhiều thì phong cách Tuấn Anh, cho đến nay vẫn chỉ có Tuấn Anh độc quyền, độc diễn. Nói đúng ra là khó copy.
Không chỉ hoạt động hoàn toàn độc lập, tự chọn bài, chọn nơi biểu diễn, chọn y phục lên sân khấu kể cả phần tự trang điểm, tự làm tóc … anh còn biên soạn cả lời dẫn cho phần trình bày của mình. MC mà gặp Tuấn Anh coi như mất job.
Với cách trang phục riêng của mình, Tuấn Anh cũng phải nhìn nhận là trong thời gian đầu tiên đã gặp phải một sự có thể gọi là chống đối nơi một số khán giả. Có thể họ nhận thấy nơi anh có một điều gì đó không được bình thường lắm.
Nhận biết được phản ứng nơi khán giả trong thời kỳ đầu tiên còn quá xa lạ với "luồng gió mới" và "cuộc cách mạng" như anh từng nói, Tuấn Anh đã phải tỏ ra rất kiên nhẫn với một ý chí cao độ khi quyết tâm giữ cho mình những nét độc đáo.
Tuấn Anh đã áp dụng câu "có công mài sắt, có ngày nên kim" vào trường hợp này của anh khi tuyên bố: "
Em rất kiên nhẫn, có ý chí và một sự tự tin... Lần đầu tiên thì chưa được hưởng ứng lắm. Nhưng mình phải có công mài sắt chứ anh! Quả thực thì quá trình để được nên kim nhờ trời thương, phước đức của ông bà, bố mẹ thì cũng không lâu lắm! Không phải trải qua nhiều giai đoạn nhiêu khê nữa".
Người ta tưởng rằng lối phục sức "không giống ai" của Tuấn Anh khó lòng thu hút được nhiều lứa tuổi nơi phía khán giả. Nhưng ngược lại, anh cho rằng mình may mắn nhận được sự mến mộ của người thưởng thức một cách đại đồng, tức là
"khách của em thì có đủ. Tức là có các bác, các chú, các cô, các em và các bạn. Đa số thì em nghĩ nữ là khoảng 60. Đấy là chưa kể 10 phần nam còn lại thì họ hơi kín đáo... Tại vì đối với quan niệm và cái nhìn của người Việt Nam thì 10 phần trăm nam đó họ tỏ ra nhẹ nhàng kín đáo hơn".
Chính Tuấn Anh cũng không ngờ có được sự mến mộ của nhiều khán giả phái nữ. Sau khi phân tích, anh cho rằng có lẽ
“qua một nhân dáng, với một cách trang phục cũng như trang điểm khi trình diễn như vậy, mình đã tạo cho khán giả nữ một cảm giác gần gũi hơn, như một người bạn hay một người anh có những cái khiá cạnh tương đồng mà họ tìm thấy ở nơi mình".
Thời gian đầu tiên, những y phục anh mang trên người đều do chính anh vẽ kiểu và đưa cho nhà may thực hiện.
Trung thành với điều anh gọi là cuộc cách mạng, Tuấn Anh luôn để ý đến những cải tiến, những thay đổi cần có mà anh đã thực hiện một cách "tế nhị và nhẹ nhàng" trong những lần xuất hiện trên sân khấu...
Tuấn Anh còn thể hiện điều "không giống ai" ở giọng hát rất khỏe của mình bằng một nghệ thuật diễn tả không hề giống bất cứ một giọng ca nam nào khác.
Làng tân nhạc Việt Nam hải ngoại có 3 tiếng hát nam mang tên "Tuấn" ở đầu nghệ danh của mình và mỗi người đã tạo cho mình một chỗ đứng riêng.
Tuấn Vũ, một thời là thần tượng của những ai thích nhạc tình cảm phổ thông hay loại nhạc mang âm điệu quê hương.
Tuấn Ngọc làm bá chủ về loại nhạc tình cảm nhẹ nhàng. Trong khi đó Tuấn Anh một mình một cõi với sự đa dạng trong nhiều thể loại, kể cả loại nhạc Rap, được diễn tả bằng một nghệ thuật tiêng biệt của mình.
Tuấn Anh cũng chẳng giống một nghệ sĩ nào với khả năng tung hoành một cách tự nhiên và thoải mái trên sân khấu, cộng với những câu nói dí dỏm gây nhiều thích thú cho khán giả. Nhìn chung, Tuấn Anh không những được gọi là một ca sĩ, mà đúng ra anh chính là một "performer" tức là một nghệ sĩ trình diễn đúng nghĩa trên một sân khấu "live".
Nhiều người thắc mắc tại sao một tên tuổi lớn như Tuấn Anh lại ít thấy xuất hiện trên những chương trình video, được coi như phương tiện đưa nghệ sĩ đến gần với khán giả nhất. Nhưng không phải vậy mà Tuấn Anh không giữ được trọn vẹn sự thương mến của khán giả. Và khác với quan niệm của nhiều người, anh cho rằng chưa chắc xuất hiện nhiều trên video đã một điều có lợi...
Phần khác, Tuấn Anh theo quan niệm riêng của mình, cho rằng phương tiện video chỉ là nơi để giới thiệu những tác phẩm mới chứ không phải như "live show" là nơi người nghệ sĩ tiếp xúc với khán giả một cách gần gũi hơn. Hơn nữa lên video nhiều quá, khi xuất hiện trong một "live show" sự nô nức nơi người nghe sẽ bớt đi nhiều.
Tuấn Anh xuất hiện gần đây nhất trong một chương trình được thu hình là video kỷ niệm 12 năm thành lập trung tâm Kim Lợi "12th Anniversary Kim Loi Cali", phát hành vào năm 2004. Trong video này, phần trình diễn của Tuấn Anh với nhạc phẩm Thiên Đàng Đã Mất của Ngọc Loan đã là một trong những tiết mục gây nhiều chú ý.
Cũng do đó, Tuấn Anh nhận thấy những sáng tác của Ngọc Loan thích hợp với giọng hát của mình nên đã đưa 11 ca khúc của người nữ nhạc sĩ cư ngụ ở San Jose này vào CD mói nhất của anh mang cùng đề tựa với nhạc phẩm do anh trình bầy trên video là "Thiên Đàng Đã Mất", mới được phát hành trong năm 2005.
Sở dĩ Tuấn Anh thành công là một phần nhờ thời gian theo học hai năm ở Houston và Long Beach về “vocal”, “acting” và “performance” và sau khi tốt nghiệp đã áp dụng vào đầu óc nhiều sáng kiến của anh.
Còn về phương diện nghề nghiệp, anh đã đưa ra quan niệm của mình về những yếu tố để được gọi là một ca sĩ như sau: “...
một người nghệ sĩ chân chính để phục vụ nghệ thuật và khán thính giả thì điều trước tiên là phải tôn trọng khán giả. Bởi vì mình có tôn trọng khán giả mình mới đạt được giá trị của nghệ thuật. Bởi vì khán giả là mạch sống của người nghệ sĩ. Điều thứ hai là mình phải yêu chính bản thân mình. Bởi vì mình có trau chuốt cho bản thân mình thì mình mới trau chuốt cho nghệ thuật được. Điều thì ba là mình phải quí trọng nghệ thuật, quí trọng âm nhạc và quí trọng cách diễn xuất thì đương nhiên mình càng quí trọng những điều liên đới đến những công việc của mình, cái sở trường của mình thì mình sẽ yêu nghề hơn và mình cố gắng luyện tập nhiều hơn nữa để đáp ứng nhu cầu của khán giả về nghệ thuật”.
Nguyễn Tuấn Anh là người nghệ sĩ duy nhất trong gia đình mà anh coi mình như là một
“black sheep". Ngay điểm này đã chứng tỏ điều không giống ai của mình. Do đó khi có ý định theo nghề ca hát, người con út trong số 12 anh em của gia đình là Tuấn Anh đã gặp phải
“những phản ứng rất không thuận lợi” của tất cả mọi người, nhất là thân phụ anh là một người theo quan niệm cổ.
Nhưng sau khi song thân anh qua đời, với những sự thành công của Tuấn Anh sau đó, những thành kiến ban đầu với nghề “xướng ca vô loài” nơi các anh chị của anh đã bớt đi rất nhiều.
Khi còn ở Việt Nam, Tuấn Anh đã theo học tại các trường trung học Kiến Thiết và Petrus Ký và trường Đại Học Khoa Học tại Sài Gòn. Qua Mỹ vào năm 79, anh nhất quyết đi theo con đường đã chọn, và chỉ hai năm sau đã chính thức trình diễn trước khán giả hải ngoại tại night club Maxim's ở Houston (Texas ).
Về vấn đề gia đình, vợ con, Tuấn Anh cho biết là "
bình thường như mọi người trên quả đất này”.
Không ai có thể phủ nhận tài năng của Tuấn Anh , nghe, nhìn Tuấn Anh biểu diễn có thể nhiều người hơi "Khủng" vì nam ca sĩ này , nhưng dần sẽ hiểu sẽ thích cái phong cách rất quái rở mà cũng rất " lạ mà hay" đó .
Bài viết mang tính chất kham khảo .
( Nguồn : Tổng hợp )