ledinhnhan01
New member
Gặp gỡ người hót tiếng chim trời trên đỉnh Bạch Mã
Krúc krúc…Chit chiu chit chiu…Quac quac…tôi đã “phiên âm” tiếng chim hót theo như cảm nhận của mình như thế. Anh cười vang giữa núi rừng Bạch Mã.
Tiếng chim hót không thể “phiên âm” mà hãy cảm nhận bằng trái tim. Anh tự nhận mình trước đây là một “lâm tặc” nhưng với khả năng thiên phú và bước ngoặt của cuộc đời, anh đã trở thành kiểm lâm viên, người duy nhất làm nên tour du lịch “tiếng gọi chim trời” trên đỉnh Bạch Mã nổi tiếng của Huế…Anh là Trương Cảm, người có thể “hót” đến hơn 200 tiếng loài chim khác nhau
Từ cậu bé “sát chim”
Ở vùng quê nghèo Phú Lộc, Thừa Thiên Huế trước mặt rừng núi bao quanh những cậu bé nghèo như Trương Cảm chọn cho mình cách đi bẫy chim đem bán như là một công việc kiếm thêm thu nhập cho gia đình. Ngày ngày sau giờ học là Cảm lại xách bẫy vào khu rừng trước mặt hay lên những rẫy cao của người dân trong làng để bẫy chim.
Từ tuổi lên 9, lên 10 cậu bé Trương Cảm đã có một biệt tài mà nhiều bạn đồng trang lứa không thể theo kịp là tài “sát chim”. Nếu các bạn cùng hội đem lồng đi bẫy chim cả ngày trời nhiều khi chẳng kiếm được con nào thì Cảm đã có thể kiếm được vài con trong lồng.Anh kể lúc bấy giờ 1 con chim chào mào anh bẫy được bán ra anh sẽ mua được khoảng 5kg gạo. Đó là niềm vui của cả gia đình khi gạo được đong đầy trong bồ.
Nhưng việc khai thác triệt để của nhiều người đã làm cho những cánh chim chạy táo tác, bay dạt vào rừng sâu. Dù là một cậu bé sát chim có hạng nhưng nhiều lúc cả buổi chiều ngồi trên rẫy, Cảm không kiếm được con nào. Ngồi buồn, nhìn con chim mồi trong lồng, cậu bé Cảm bỗng nổi ý định hót theo nó cho đỡ buồn. Ban đầu có thể là những tiếng huýt sáo được “lái” cho giống tiếng chim nhưng không ngờ 1 lần, 2 lần thì con chim trong lồng đã hót đáp trả lại tiếng hót của Cảm.
Đến “ông lâm tặc” vui vì “con chim cũng bị lừa”
Không đổ vào kỳ thi đại học, nhà quá nghèo, gia đình lại đông con, Anh không đành lòng “nằm nhà” để tiếp tục theo đuổi giấc mơ đại học. Quyết định theo bạn bè, theo những chú bác trong làng anh lên núi kiếm tìm “lộc rừng” mong đổi đời.
Anh tìm mọi cách để chặt cho được những cây gỗ quý, tìm cho ra cây trầm hương, bắt cho được những con thú rừng hiếm…để có thật nhiều tiền. Suy nghĩ giản đơn chỉ có vậy. Nhưng tâm hồn anh lại trở nên trống trải khi nhìn con thú bị thương lúc sập bẫy, khi nhìn những cây gỗ quý bị đốn hạ không thương tiếc. Niềm vui của anh bấy giờ là sau “những giờ làm việc” ngồi trên chiếc võng giữa rừng sâu hót theo những tiếng chim vừa nghe được. Anh cười kể: Lúc đó tôi cố gắng hót làm sao cho giống tiếng của loài khuớu, chào mào, chèo bẻo…để “tụi nó” hót đáp trả lại là vui rồi vì nghĩ rằng hóa ra loài chim nhiều lúc cũng bị lừa như con người chúng ta.
Ban đầu phải mất thời gian khá lâu anh mới có thể hót theo rập khuôn tiếng của mỗi loài chim, sau đó chỉ cần nghe từ xa vọng lại anh đã có thể hót “đáp trả”, có thể phân tích được âm điệu của mỗi loài chim, tiếng chim trống, chim mái, tiếng gọi đàn, tiếng báo hiệu thiên địch và đến cả tiếng hót ghen tuông của mỗi loài nó khác nhau như thế nào …
Bước ngoặt của “lâm tặc”
Sự hừng hực tìm kiếm lộc rừng của Trương Cảm đã ngày càng giảm rõ rệt theo cùng trái tim bay bổng, đa cảm của một chàng thanh niên có tâm hồn đồng cảm với các loài chim trời. Sau một lần chứng kiến cảnh một con khỉ đỏ dù bị thương khi sập bẫy của đám thợ săn nhưng suốt đêm vẫn ôm ấp con khỉ nhỏ vuốt ve, cho bú. Anh kinh hãi trước việc mình đã làm và quyết từ bỏ.
Chơi vơi kiếm tìm một công việc mới, năm 1988, Vườn quốc gia Bạch Mã bấy giờ là Rừng cấm Bạch Mã cần tuyển một nhân viên am hiểu các loài thú hoang dã để có thể chăm sóc, theo dõi nguồn gốc của các loài thú bị lâm tặc bắt đi nhưng kiểm lâm chặn lại được. Bởi những con thú này sau khi bị bắt ra khỏi rừng không thể trả lại ngay cho rừng được mà cần phải được chăm sóc, phân tích cánh rừng chúng đã bị bắt đi để đem trả lại đúng cánh rừng đó. Trương Cảm đã quyết tâm xin vào làm công việc đó và chính thức trở thành một kiểm lâm viên thuộc sự quản lý của vườn quốc gia Bạch mã.
Và hướng dẫn viên du lịch của tour “tiếng gọi chim trời”
Ở độ cao 1.450 mét với nhiệt độ ôn đới từ 14-200C Bạch Mã còn được xem là một Sapa, Đà Lạt hay Tam đảo của Huế. Nơi ấy có những tuyến đường mòn độc đáo như đường mòn Trĩ Sao, đường món Thác Đỗ quyên, đường mòn thác Ngũ Hồ, đường mòn Vọng hải đài…có một thế giới sinh học phong phú và đa dạng với 2.147 loài thực vật và 1493 loài động vật trong đó có 27 loài thực vật và 66 loài động vật có tên trong sách đỏ Việt Nam và ở đỉnh Bạch Mã còn có một người đặc biệt hơn đó là “hướng dẫn viên du lịch” kiêm Trạm trưởng trạm kiểm lâm 1 – Trương Cảm. Người có thể gọi chim rộn rã khắp khu vườn, bay lượn xung quanh và có thể đậu cả lên vai người đang “hót”.
Bằng niềm đam mê của một lâm tặc từ bỏ nghề, quyết giữ lấy rừng, giữ lấy thế giới sinh học cho khu rừng, Trương Cảm có thể kể vanh vách tên từng loại cây thuốc quý trên đỉnh Bạch Mã và công dụng của nó, tên của từng loài thú với đặc điểm sinh học của nó và dĩ nhiên là tên của hàng trăm loài chim với các cách hót khác nhau. Anh nói rằng: Khi cất tiếng “hót” gọi chim, muốn chim bay la đà đậu sát bên mình, tuyệt đối những người xung quanh không được gây tiếng động và đặc biệt không được chớp mắt, chỉ cần một nháy mắt nhỏ của bất kỳ người nào trong đoàn khách thì chim sẽ nhận biết và bay đi ngay. Nhiều khi vì muốn phân tích tiếng hót của một loài chim mới nghe lần đầu mà đôi khi dụ chúng đến được gần mình rồi mà đụng phải một con rắn bò ngang qua người cũng phải đứng yên kẻo động đậy là chim bay mất. Đó là tâm huyết của người yêu tiếng hót chim trời.
Phải xin lỗi vì cứ gọi mãi 2 từ lâm tặc khi nhắc đến anh bởi hôm nay anh đã thực hiện được giấc mơ đại học với luận văn tốt nghiệp đạt 10/10 tại trường Đại học nông lâm Huế với đề tài “Sự phân bố và phát triển loài Trĩ Sao ở Vườn quốc Gia Bạch Mã”, trở thành trạm trưởng Trạm kiểm lâm 1 Vườn quốc gia Bạch Mã, được Hội bảo về thiên nhiên và môi trường Việt Nam tặng thưởng vì đã có nhiều thành tích trong công tác bảo vệ môi trường…
Mỗi tuần vào chủ nhật thì bất kỳ đoàn du khách nào đến với tour "Tiếng gọi chim trời", anh cũng không nhận thù lao bởi đó là cách anh muốn thể hiện tình cảm giữa con người với núi rừng. Anh cho tôi xem hàng ngàn bức ảnh của các đoàn du khách trong nước và quốc tế gửi về “kính tặng anh Trương Cảm”, những bức thư nhiều xúc cảm với những lời tâm sự xúc động sau khi đến Bạch Mã được gặp, được chứng kiến anh “biểu diễn” và cả tấm lòng của anh với núi rừng. Trương Cảm giới thiệu về người vợ là giáo viên tiểu học của anh - hậu phương vững chắc của anh khi cả tuần anh phải “trực” ở đỉnh Bạch Mã đến cuối tuần mới có thể về nhà, về 2 cậu con trai nhỏ trong đó cháu Trương Bảo Lâm 9 tuổi đã tự bắt chước và có thể hót được tiếng chim khuớu, chim chào mào… Anh còn cho tôi nghe một đoạn bài hát do anh tự sáng tác về Bạch Mã “…Đứng trên đồi dốc nhìn về trong bát ngát. Ôi cuộc đời sao quá yêu thương. Ô kìa chú chim nón hót vang chào lữ khách…”
Chào tạm biệt anh, bỗng nghe tiếng chim hót tôi cũng bất ngờ huýt sáo thành tiếng. Cuộc đời sao quá đỗi bình yên.
nguồn : internet