Một số vấn đề cơ bản về chọn nuôi, chăm sóc và tập dợt Chào Mào (sưu tầm)

ducterry

New member
sưu tầm được bài viết chia sẻ cho anh em
Chào mào hiện nay đã có nhiều fan hâm mộ. ACE giao lưu ở diễn đàn này và các diễn đàn khác chỉ là phần nổi của tảng băng chơi Chào mào thôi.
Tôi chơi Chào mào thì cũng dạng phọt phẹt. Mấy cách thức chăm nuôi là do tìm tòi, học hỏi, lụm lặt là chính chứ tự đúc rút thì cũng chẳng được bao nhiêu. Bây giờ vẫn còn phải đang học hỏi, tìm tòi về nó. Vậy mà cũng có AE khuyến khích, động viên chia sẻ về cách chọn nuôi, chăm sóc chim. Tôi xin được trao đổi một số vấn đề cơ bản để góp phần giúp các bạn mới chơi tự tin hơn khi chọn chơi loại này - một loài chim bình dị nhưng uy nghi – không lộng lẫy kiêu sa nhưng hoành tráng. Dưới đây vừa là trao đổi, vừa là đặt vấn đề, có thể có những ý kiến chủ quan của tôi không đúng, các bạn thoải mái trao đổi lại.
Giống chim Chào mào thì cơ bản là như nhau. Tùy điều kiện từng vùng mà nó có khác biệt nhỏ về hình dáng, màu sắc (đậm nhạt), giọng sổ. Chim chào mào ở miền Nam đa số nhỏ con, dáng chim không đẹp bằng chim vùng ngoài (theo nhận xét cá nhân tôi). Tôi đã thấy nhiều con chào mào đem từ Huế, Hà nội vào chơi ở Đà Lạt mà hình dáng, nết chơi của nó quá suất sắc, tôi chưa thấy con chim Đà Lạt có dáng, nết được như thế (chim của Giang Bảo Hiểm, Hùng Bắc, Con vảy cá của Quang "phăng-tô-mát" mà sau này tôi cũng được cầm chơi một thời gian ...). Về giọng sổ (giọng hót) thì chim mỗi vùng có đặc trưng riêng. Trong từng vùng cũng có một số khu vực mà ở đó, Cmao đặc biệt hay hơn ở khu vực khác.
Đại đa số các bạn mới chơi thường muốn cho chim mau sung. Nuôi chim mà "muốn cho mau sung" là không ổn rồi. Việc này phụ thuộc vào mình thôi - càng sốt ruột chim càng lâu sung. Vấn đề là chăm làm sao cho đúng cách, không ép chim quá mà cũng không được lơ là việc tập dượt. Tôi xin chia sẻ một kinh nghiệm nhỏ rồi các AE khác bàn thêm: Bình thường phải mất khoảng 9-12 tháng nuôi và tập dợt thì mới có được một con chào mào để chơi. Các giai đoạn có thể chia ra như sau:
1/ Chim bổi mới bắt về: mất 3 tháng để "trấn an", tập cho ăn cám, bước đầu làm quen với "kiếp tù chung thân". Giai đoạn này thì rất cực và bực, phải trùm áo lồng thường xuyên chỉ để hé 1 khe nhỏ thôi, hạn chế tối đa việc tiếp xúc với nó, hạn chế việc di chuyển lồng chim, cứ để nó tự thích nghi, rồi hé dần áo lồng ra. Sau 3 tháng nó đã bắt đầu sổ đều, nhưng còn rất nhát, tuy nhiên được như thế là nó đã vượt qua thử thách lớn nhất rồi.
2/ Sau 3 tháng quân trường, nó phải làm quen với môi trường mới, chế độ ăn uống mới, bạn phải tiếp xúc với nó nhiều hơn, cho tắm nhiều hơn, treo lồng nhiều chỗ ... Mỗi lần cho ăn bạn cho ăn ít thôi, để hết sạch mới cho thêm thức ăn vào, giai đoạn này tối kỵ việc để cóng cám hoặc trái cây thừa mứa trong lồng - việc này hơi khó thực hiện - con chim của bạn phải luôn luôn đói nhưng không được chết đói. Bạn phải làm cho nó hiểu là "mỗi khi bạn đến gần lồng chim là chỉ để cho ăn" dần dần nó sẽ cảm thấy bạn không nguy hiểm, thậm chí nó có thể còn mừng húm khi nom thấy bạn. Làm được như vậy, thêm 3-5 tháng nữa là nó đã tương đối dạn dĩ rồi.
3/ Sau quá trình trên thường thì chim sẽ thay lông, đây là thời điểm chăm sóc đặc biệt vừa cung cấp năng lượng cho đợt thay lông mất 2-3 tháng, vừa dự trữ năng lượng cho việc tập dượt, đấu đá sau khi thay lông xong. Chế độ chăm sóc chim trong thời gian thay lông thì chắc tôi không bàn thêm nữa. Sau khi xong lông (xong hẳn nhé - khi nào cho chim tắm xong khoảng 3-5 phút là lông chim khô, bóng mượt) là bắt đầu chế độ tập dượt. Lúc này nếu treo một mình thì chim của bạn đã sổ cả ngày rồi, nhưng nó cần đi thi thố tài năng, qua mỗi đợt như vậy, nết chơi của nó sẽ đa dạng dần lên, chim sẽ dữ dằn hơn, nó sẽ dần trổ hết bài mà khi đứng một mình nó không "thi triển".
Cách dượt thì cũng đơn giản, ai cũng biết rồi - là xách chim đến nhừng tụ điểm tập trung nhiều chim cùng loại. Nhưng có điều bạn lưu ý là những lần đầu đem chim đi, bạn phải tủ kín áo lồng lại, tuyệt đối không cho nó nhìn thấy chim khác, chỉ cho nghe thôi. làm như vậy khi trở về nhà nó rất xung (tất cả bài vở của nó, nó sẽ tập dượt, ôn luyện ở nhà, sau khi đi dượt về, chứ không phải ở tụ điểm dượt chim đâu) Mỗi tuần mở áo lồng cho nó nhìn ngắm chiến hữu khoảng 2 lần mỗi lần khoảng 10-15 phút là đủ nhưng phải để xa, không được xáp gần. Cứ tập dượt như vậy khoảng 2-3 tháng là em nó xung lắm lắm, thậm chí có khi nó còn bố láo hơn cả chim sành nhưng bạn phải thật kiên trì nhẫn nhịn phải giữ nguyên chế độ tập dượt như vậy tuyệt đối không cho sáp chim mà chỉ cho mở áo lâu hơn, để thời gian dượt lâu hơn dần lên thôi. Nhiều người do bị khích mà làm bể một con chim đang xung cũng vì vậy lý do là: tuy nhìn thấy chim xung vậy thôi, nhưng đó là xung xổi, khác xa với chim sành nó có tinh tướng riêng của nó. mấy ku xung xổi mới lên nhìn bố láo bố lếu thế thôi chứ bị nẹt sợ một lần là coi như đi đứt cả quá trình chăm sóc tập dượt gian khổ. Đây là thời điểm hưởng thụ của chủ chim. Ở quầy thì chim ra dáng ra giọng đấu đá, về nhà thì ức chơi đủ bài vở. Chim cứ xung như vậy mà giữ được 2-3 mùa lông thì gọi là chim sành. Lúc này, chủ chim chỉ còn việc hưởng thụ thôi.
 
Top