[h=2]
Nhân sự kiện Nick đến Việt Nam, xin trích đăng những chia sẻ của anh trong cuốn sách "Cuộc sống không giới hạn" - với hai kỳ đầu tiên về nỗi đau của gia đình khi Nick vừa chào đời.[/h]
Kỳ 1: Nỗi đau ngày chào đời
Phải mất một thời gian dài tôi mới nghiệm ra những lợi thế tiềm ẩn trong hoàn cảnh nghiệt ngã của mình. Mẹ tôi mang thai tôi, đứa con đầu lòng của bà, khi bà hai mươi lăm tuổi. Mẹ tôi vốn là một nữ hộ sinh, làm việc tại một phòng hộ sinh nơi bà chăm sóc cho hàng trăm bà mẹ và những đứa con sơ sinh của họ. Mẹ tôi biết phải làm gì khi bà mang thai, biết duy trì chế độ ăn uống hợp lý, rất thận trọng khi dùng thuốc, không sử dụng đồ uống có cồn, không dùng aspirin hay bất cứ loại thuốc giảm đau nào.
Bà tìm đến những bác sĩ giỏi nhất để khám thai định kỳ và các bác sĩ quả quyết với bà rằng tất cả mọi thứ đều ổn cả. Mặc dầu vậy mẹ tôi vẫn bị ám ảnh bởi cảm giác lo lắng. Khi ngày trở dạ đến gần, bà thỉnh thoảng lại chia sẻ với cha tôi những nỗi lo lắng của mình. Bà nói, “Em hy vọng mọi chuyện với con chúng ta đều ổn cả”.
Trong hai lần mẹ tôi đi siêu âm, các bác sĩ đều không phát hiện thấy bất cứ điều gì bất thường. Các bác sĩ nói với cha mẹ tôi rằng con đầu lòng của họ là con trai, nhưng tuyệt đối không nói gì về chứng khuyết thiếu chân tay! Khi tôi chào đời vào ngày 4 tháng mười hai năm 1982, thoạt đầu mẹ không được phép gặp tôi, và câu hỏi đầu tiên mẹ hỏi bác sĩ là: “Con tôi ổn chứ?”. Đáp lời là một sự im lặng. Mẹ tôi đếm từng giây để được nhìn thấy tôi. Đợi mãi không thấy người ta mang tôi đến, bà càng tin chắc có điều gì đó không ổn đã xảy ra. Thay vì mang tôi đến cho mẹ bế, họ mời một bác sĩ nhi khoa tới và kéo nhau ra góc xa của căn phòng.
Họ nhìn tôi rồi đưa mắt nhìn nhau. Khi mẹ tôi nghe thấy tiếng khóc oa oa của một đứa trẻ sơ sinh khỏe mạnh cất lên, mẹ nhẹ cả người. Nhưng khi đó cha tôi, người cha mà trong lúc tôi chào đời đã để ý thấy con mình không có tay, cảm thấy choáng váng và người ta phải đưa ông ra khỏi phòng.
Nhìn thấy hình hài dị biệt của tôi, các bác sĩ và y tá không khỏi bàng hoàng, vội lấy Nhưng mẹ tôi đâu có ngốc. Nhìn vẻ mặt của các bác sĩ và y tá là mẹ biết có điều gì đó rất không bình thường đã xảy ra.
“Có chuyện gì vậy? Chuyện gì đã xảy ra với con tôi vậy?’ Mẹ hỏi.
Thoạt đầu bác sĩ không trả lời, nhưng khi mẹ tôi cứ khăng khăng hỏi dồn, ông ấy không còn cách nào khác hơn là trả lời mẹ bằng một thuật ngữ y khoa.
“Đứa bé bị chứng phocamelia,” ông ấy nói.
Vốn là một y tá, mẹ tôi biết thuật ngữ đó dùng để chỉ tình trạng của những đứa trẻ sinh ra bị dị dạng hoặc thiếu mất các chi. Mẹ tôi không thể nào chấp nhận sự thật nghiệt ngã này. Giữa lúc đó, người cha hốt hoảng của tôi ở bên ngoài phòng hộ sinh, tự hỏi những gì ông vừa nhìn thấy có phải là sự thật hay không.
Khi bác sĩ nhi khoa đến nói chuyện, ông không kìm nén được, kêu lên đau đớn: “Con trai tôi, nó không có tay!”.
“Thực ra”, vị bác sĩ nói bằng giọng đầy cảm thông, “con trai anh không có cả tay lẫn chân".
“Ông nói gì cơ?”. Không tin, cha tôi hỏi lại.
Bàng hoàng và vô cùng đau khổ, cha ngồi như một pho tượng, không thể thốt ra được một lời nào cho đến khi bản năng che chở của một người chồng, một người cha trỗi dậy. Ông chạy vội vào phòng để nói với mẹ tôi trước khi mẹ nhìn thấy tôi, nhưng thật buồn, khi vào đến nơi cha thấy mẹ đang nằm thẫn thờ trên giường, khóc rưng rức trong đau khổ. Các nhân viên y tế đã nói cho mẹ tôi biết cái sự thật choáng váng đó. Họ đề nghị đưa tôi đến cho mẹ tôi bế, nhưng mẹ tôi từ chối. Trong những giây phút đau khổ đến xé lòng ấy, mẹ đã bảo họ hãy đưa tôi đi. Mấy cô y tá không cầm nổi nước mắt. Bà đỡ bật khóc. Và tất nhiên tôi cũng khóc! Cuối cùng họ đặt tôi, đứa con tật nguyền đỏ hỏn được bọc trong những lớp khăn, xuống bên cạnh mẹ, và mẹ tôi không thể nào chịu đựng nổi những gì bà đang nhìn thấy: Con trai bà, đứa con đầu lòng mà bà mang nặng đẻ đau, chào đời không có tay, không có chân.
|
Bố mẹ đã không ngờ rằng, sinh linh ngày đó đã trở thành chàng trai kỳ diệu nhất hành tinh.
|
“Hãy mang nó đi đi”, mẹ nói.
“Tôi không muốn chạm vào nó, không muốn nhìn thấy nó".
Cho đến tận ngày hôm nay cha tôi vẫn cảm thấy rất buồn vì hôm ấy các nhân viên ở phòng hộ sinh đã không cho cha có thời gian để chuẩn bị tinh thần cho mẹ, để mẹ có thể đối mặt với sự thật phũ phàng đó một cách tốt hơn.
Một lúc sau, khi mẹ đã thiếp đi, cha đến thăm tôi ở phòng dành cho trẻ sơ sinh. Lúc quay lại, cha nói với mẹ: “Con trai của chúng ta kháu lắm”. Cha hỏi liệu bây giờ mẹ đã muốn gặp tôi chưa, nhưng mẹ vẫn chối từ, vẫn một mực lắc đầu. Cha tôi hiểu và tôn trọng những cảm xúc của mẹ.
Kỳ 2: Nỗi đau người mẹ
Tôi là đứa con đầu lòng. Sự kiện đứa con đầu lòng chào đời thường mang đến niềm vui cho bất cứ gia đình nào, ấy thế mà khi tôi sinh ra, tuyệt đối không một ai gửi hoa chúc mừng mẹ tôi. Điều đó càng làm tổn thương mẹ, và khiến mẹ tuyệt vọng hơn.
Nhìn cha bằng đôi mắt đẫm ướt, mẹ hỏi: “Em không đáng được nhận hoa sao?”.
“Anh xin lỗi”, cha tôi nói.
“Đáng chứ, em đáng được nhận hoa lắm chứ”.
Nói rồi ông vội tìm đến quầy bán hoa của bệnh viện và nhanh chóng trở về cùng với một bó hoa.
Tôi đã từng hỏi mẹ về cái ngày tôi chào đời, về phản ứng đầu tiên của họ khi biết đứa con mới chào đời của mình không tay, không chân. Hôm ấy tôi đã có một ngày rất tồi tệ ở trường và khi kể chuyện trường lớp cho mẹ nghe, mẹ đã khóc cùng tôi. Tôi nói với mẹ rằng tôi chán vì không có tay có chân lắm rồi, rằng tôi buồn lắm. Mẹ chia sẻ với tôi những giọt lệ buồn tủi đó và nói cha mẹ hiểu rằng Chúa có một kế hoạch dành cho tôi và một ngày nào đó Người sẽ tiết lộ kế hoạch ấy.
Tôi vẫn tiếp tục đặt ra những câu hỏi, hết lần này đến lần khác, lúc thì hỏi riêng cha hoặc mẹ, khi thì hỏi cả hai người. Tôi hỏi một phần là do tính tò mò, một phần là để phản ứng lại những câu hỏi dai dẳng, đeo bám mà tôi luôn phải cố gắng để ngăn chặn từ phía những đứa bạn học hiếu kỳ.
Trong những cuộc trò chuyện ban đầu, cha mẹ tôi tỏ ra rất thận trọng và dè chừng khi trả lời các câu hỏi của tôi. Khi tôi lớn hơn, nhất quyết hỏi cho bằng được, họ đã kể cho tôi nghe cảm giác của họ và những nỗi sợ mà họ đã trải qua ngày đó bởi họ biết rằng tôi đã đủ lớn để đối mặt với những sự thật ấy.
Tuy vậy, khi mẹ kể với tôi rằng sau khi tôi chào đời mẹ đã không muốn ôm tôi, tôi cảm thấy sự thật đó mới khó chấp nhận làm sao, ấy là tôi đã nói nhẹ đi về cảm giác của mình lúc ấy rồi đấy. Tôi đã đủ bất an và buồn khổ rồi, ấy thế mà tôi lại phải đối mặt với sự thật rằng chính mẹ đẻ của tôi còn không thể chịu đựng nổi việc nhìn thấy tôi, không muốn ôm tôi vào lòng…
Ôi chao, bạn thử tưởng tượng xem bạn sẽ cảm thấy như thế nào nếu rơi vào hoàn cảnh đó. Tôi đau đớn, buồn tủi lắm. Tôi cảm thấy mình bị ruồng bỏ, nhưng rồi tôi nghĩ đến tất cả những gì cha mẹ đã làm cho mình bấy lâu nay. Trong chừng ấy năm cha mẹ đã luôn chứng tỏ tình yêu của họ dành cho tôi. Khi chúng tôi tâm sự với nhau về những ngày ấy, tôi đã đủ lớn để đặt mình vào vị trí của mẹ, để hiểu nỗi lòng của người.
Ngoài những linh cảm ra, mẹ tôi không hề nhận được sự cảnh báo nào trong suốt thời gian mẹ mang thai. Vậy nên mẹ bị sốc và sợ hãi cũng là điều dễ hiểu. Nếu tôi là một người cha, một người mẹ, tôi sẽ phản ứng thế nào khi con mình sinh ra với hình hài dị biệt như thế, với khuyết tật nặng nề đến mức ấy?
Tôi không hề biết những chuyện đó cho tới lúc mười ba tuổi, khi tôi bắt đầu hỏi cha. Thoạt đầu tôi cảm thấy hơi sợ trước những gì cha mẹ có thể sẽ kể cho tôi dám chắc là tôi có thể đối mặt với sự thật tốt như họ. Tôi nói để họ biết cảm nhận đó của mình và qua thời gian, càng ngày tôi và cha mẹ càng có thể đi sâu hơn vào chi tiết, chia sẻ với nhau nhiều hơn về những chuyện trong quá khứ. Tôi mừng vì chúng tôi đã đợi cho tới khi tôi đủ bình tâm, đã biết từ trong sâu thẳm trái tim mình rằng cha mẹ tôi yêu thương tôi.
Chúng tôi tiếp tục chia sẻ những tâm tư, tình cảm, cảm xúc, nỗi sợ hãi, và cha mẹ đã giúp tôi cảm nhận được rằng đức tin của họ đã cho phép họ hiểu rằng tôi sinh ra là để phụng sự mục đích của Chúa.
Tôi là một đứa trẻ luôn lạc quan và có lòng quyết tâm mãnh liệt. Các giáo viên của tôi, những phụ huynh khác và cả những người lạ thường nói với cha mẹ tôi rằng thái độ sống của tôi khích lệ họ trong cuộc sống. Về phần mình, tôi hiểu rằng những thách thức của cá nhân tôi vốn đã rất lớn, nhưng nhiều người trong cuộc đời này còn phải đối mặt với những thách thức lớn hơn, phải chịu đựng những gánh nặng ghê gớm hơn những gánh nặng của tôi.